Thiết kế và phát triển Hawker_Hurricane

H là chiếc Hurricane, sách đánh vần của trẻ em Anh Quốc thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến. Bản quyền hình của Lordprice Collection

Chiếc Hurricane được phát triển bởi hãng Hawker Siddeley nhằm đáp ứng một yêu cầu của Bộ Hàng không Anh về một kiểu máy bay tiêm kích được chế tạo dựa trên loại động cơ mới của Rolls-Royce, lúc đó chỉ được biết dưới tên PV-12, sau này trở nên nổi tiếng là Merlin. Vào lúc đó, Bộ chỉ huy Tiêm kích Không quân Hoàng gia Anh chỉ bao gồm 13 phi đội, được trang bị Hawker Fury, các phiên bản Hawker Hart, hoặc Bristol Bulldog – tất cả đều là kiểu máy bay cánh kép với cánh quạt bằng gỗ có góc cánh cố định và càng đáp không thể xếp được.[1] Kiểu thiết kế, được khởi sự vào đầu năm 1934, là công trình của Sidney Camm.

Kế hoạch nguyên thủy của Sydney Camm bị Bộ Hàng Không loại bỏ (rõ ràng là "quá chính thống" ngay cả đối với Bộ Hàng Không). Camm hủy bỏ kế hoạch và chuyển sang một thiết kế máy bay tiêm kích như là một khoản đầu tư riêng của hãng Hawker. Với tính chất kinh tế trong đầu óc, chiếc Hurricane được thiết kế sử dụng càng nhiều các công cụ và khuôn mẫu sẵn có của Hawker càng tốt (chiếc máy bay là một phiên bản cánh đơn hiệu quả của chiếc Hawker Fury rất thành công); và chính là những yếu tố đó góp phần quan trọng vào sự thành công của kiểu máy bay này.

Trong giai đoạn đầu của thiết kế, chiếc "Fury cánh đơn" được dự định trang bị kiểu động cơ Rolls-Royce Goshawk, nhưng nó được nhanh chóng thay thế bằng động cơ Merlin, và có một bộ càng đáp xếp được. Thiết kế này được biết đến như là kiểu 'tiêm kích đánh chặn cánh đơn', và đến tháng 5 năm 1934, chi tiết của kế hoạch được hoàn thành. Để thử nghiệm thiết kế mới, một mô hình tỉ lệ 1:10 của chiếc máy bay được hoàn thành và gửi đến Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia Anh Quốc tại Teddington. Một loạt các thử nghiệm trong hầm gió xác nhận các phẩm chất tính năng khí động học căn bản mang tính sống còn đạt yêu cầu, và đến tháng 12 cùng năm, một mô hình kích thước thật bằng gỗ được chế tạo.[1]

Chiếc nguyên mẫu đầu tiên, K5083, bắt đầu được chế tạo vào tháng 8 năm 1935 trang bị động cơ Merlin PV-12. Các phần hoàn tất được mang đến vòng đua Brooklands nơi Hawkers có một trạm lắp ráp, và được lắp ráp lại ngày 23 tháng 10 năm 1935. Việc thử nghiệm trên mặt đất kéo dài hai tuần sau đó, và đến ngày 6 tháng 11 năm 1935, chiếc nguyên mẫu cất cánh lần đầu tiên dưới sự điều khiển của phi công thử nghiệm chính của Hawker, Trung úy (sau là Đại úy) P.W.S. Bulman.[2] Bulman được sự giúp đỡ bởi hai phi công khác trong các cuộc bay thử nghiệm tiếp theo; Philip Lucas lái một số cuộc bay thử nghiệm, trong khi John Stuart Hindmarsh thực hiện một số thử nghiệm bay sản xuất của hãng.[3]

Cho dù nhanh hơn và tiên tiến hơn những máy bay cánh kép đang phục vụ trong Không quân Hoàng gia, thiết kế của Hurricane đã lỗi thời khi nó được giới thiệu. Nó sử dụng các kỹ thuật sản xuất truyền thống của Hawker từ những máy bay cánh kép trước đây, chủ yếu là lắp ghép cơ học hơn là được hàn dính. Nó có kết cấu thân dạng khung kiểu Warren làm bằng ống thép chịu lực cao, trên đó sườn máy bay được phủ vải và sơn nhựa. Kết cấu kiểu truyền thống của chiếc Hurricane có nghĩa là khung máy bay rất bền, được chứng minh là chịu đựng được đạn pháo nổ tốt hơn lớp vỏ kim loại của chiếc Supermarine Spitfire. Ban đầu, cấu trúc cánh bao gồm hai trụ cột thép và bề mặt được phủ bằng vải. Một kiểu cánh có mặt cánh toàn kim loại hợp kim nhôm (có đặc tính DERD tương đương AA2024) được giới thiệu vào tháng 4 năm 1939 và được sử dụng cho tất cả các phiên bản sau đó.[2] Ngược lại, chiếc Spitfire hiện đại sử dụng kiến trúc thân máy bay đơn toàn kim loại và do đó nhẹ và chắc hơn, nhưng lại ít chịu đựng hơn đối với đạn bắn. Với đặc tính dễ bảo trì, bộ càng đáp có vệt bánh rộng và các đặc tính bay dễ dàng, Hurricane được giữ lại sử dụng tại các chiến trường, nơi mà độ tin cậy, dễ bảo quản và một bệ súng vững vàng là quan trọng hơn so với tính năng khi bay, tiêu biểu là những vai trò như tấn công hỗ trợ mặt đất.

Sản xuất

Chiếc Hurricane cuối cùng được sản xuất trong tổng số 14.533 chiếc. Thuộc phiên bản MkIIc, từng được gọi là ‘The Last of the Many’ và thuộc quyền sở hữu của Hawkers, ngày nay chiếc máy bay này được sử dụng bởi tổ chức Battle of Britain Memorial Flight.

Hurricane được yêu cầu đưa vào sản xuất từ tháng 6 năm 1936, chủ yếu là do kết cấu tương đối đơn giản và dễ chế tạo. Khi viễn cảnh chiến tranh ngày càng trở nên hiện thực, và thời gian là yếu tố ảnh hưởng đến việc cung cấp cho Không quân Hoàng gia một kiểu máy bay tiêm kích hiệu quả, người ta không rõ là liệu chiếc Spitfire tiên tiến hơn có thể đưa vào sản xuất một cách suôn sẽ, trong khi chiếc Hurricane sử dụng những kỹ thuật sản xuất đã được biết đến. Điều này cũng đúng cho những đơn vị hậu cần kỹ thuật, những người đã có kinh nghiệm làm việc trên cùng một nguyên lý như của chiếc Hurricane, và tính đơn giản trong thiết kế cho phép ứng biến một số sửa chữa đáng kể trong các xưởng dã chiến của các phi đội.

Được trang bị động cơ Merlin II, chuyến bay đầu tiên của máy bay sản xuất hằng loạt được thực hiện ngày 12 tháng 10 năm 1937. Bốn máy bay đầu tiên được Không quân Hoàng gia đưa vào hoạt động gia nhập Phi đội 111 tại căn cứ Không quân Hoàng gia Northolt vào tháng 12, và cho đến khi Thế Chiến II nổ ra, có gần 500 chiếc Hurricane đã được sản xuất, và được trang bị cho 18 phi đội.[4]

Tổng cộng có khoảng 14.000 chiếc Hurricane và Sea Hurricane được sản xuất. Đa số những chiếc Hurricane do Hawker chế tạo (họ sản xuất chúng cho đến tận năm 1944) và Gloster Aircraft Company chế tạo hầu hết số còn lại. Austin Motor Company chế tạo 300 chiếc. Canada Car and FoundryFort William, Ontario, Canada, (nơi mà Kỹ sư trưởng Elsie MacGill được biết đến như là "Nữ hoàng của Hurricane") chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 1.400 chiếc Hurricane, được biết đến dưới phiên bản Mk X.